Ban Mê – Góc phố ngày ấy bây giờ.

Qua bao phố nắng, bao phố mưa, trãi qua bao thăng trầm của cuộc sống Ban Mê nay đã đổi thay từng ngày. “Nhà cứ xây lên, người đến với phố nhiều. Nên phố chật tự bao giờ chẳng biết”. Với sự phát triển của xã hội, nâng cấp đô thị là một điều tất yếu của cuộc sống. Nhưng với những người đã từng gắn bó sẽ là một kỉ niệm, một hồi ức để bất chợt cà phê ngay góc phố ôn lại kỉ niệm xưa với bạn bè. Hay những ai xa xứ cũng có thể nhận ra Phố bây giờ, nên lưu lại những tấm hình xưa & nay, chú thích rõ từng góc phố để đọng mãi với thời gian. (Người thân là cựu khoá 68 – 75 THBMT vẫn gặp các cô, chú thường xuyên nên mình rất hay nghe kể về từng góc phố ngày xưa ấy – Đã ở Ban Mê khoảng 60 năm)

Ban Mê thời tiết vẫn nắng & gió, thi thoảng đỏng đảnh, ẩm ương nắng mưa thất thường ba, bốn mùa trong ngày. Sáng se se lạnh tung tăng áo khoác, trưa nóng bức lại thay áo dây, tối ngủ đắp mền nhưng bật quạt, tha hồ diện đồ. Buôn Mê vẫn bụi, vẫn mưa nhưng không còn buồn muôn thưở!

Vẫn còn đó những hàng cây nơi góc phố đứng đó nhuốm màu thời gian, vẫn âm thầm nhận mưa nắng đi qua & chứng kiến bao câu chuyện của Phố trãi dài theo năm tháng! Phố nay cũng ngập tràn những món ăn sành điệu, hợp thời … nhưng “mùi kỉ niệm, mùi thân quen” luôn tràn về trong ký ức. Chắc hẳn ai sinh ra hoặc lớn lên từ Ban Mê sẽ có vài quán ăn, cà phê, góc phố hẹn hò gắn liền với ký ức tuổi thơ cho đến trưởng thành. Nơi góc phố hàng cây đó đã chứng kiến bao thế hệ! 

Có bạn đã làm album hình Buôn Ma Thuột xưa & nay rồi! Nhưng chưa có chú thích và góc nhìn của mình khác xíu! Hình mình là “góc phố ấy xưa & nay”. Hình chụp nhấn vào gốc cây nơi chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống & hình chủ yếu xung quanh chợ TT BMT nơi khu phố cổ của Ban Mê.

  1.  Đường Quang Trung. 

Đầu tiên là đường Quang Trung, con đường này vẫn tên cũ từ xưa đến nay. Đầu đường Quang Trung nhìn qua nhà thờ, gần cuối đường có rạp Lo Do là đối diện chợ, chứ không phải ngay chợ mới bây giờ. Những năm 60 đường Quang Trung mới là đường sầm uất nhất vì tập trung người Hoa, Ấn Độ kinh doanh buôn bán vải vóc hàng tạp hóa & có nhà hàng, khách sạn, tiệm kem, rạp chiếu phim, …

  • Góc Quang Trung – Hai Bà Trưng: Xưa là khách sạn Kinh Đô, sau đó là Kho bạc giờ là Quỹ đầu tư phát triển Dak Lak – 81 Quang Trung chuyển về năm 2018. Đường này có hủ tiếu, cơm gà Phú Lâm khởi nghiệp tháng 12 năm 1959. Hơn 60 năm quán vẫn đứng đó chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống.
Khách sạn Kinh Đô, sau đó là Kho bạc giờ là Quỹ đầu tư phát triển Dak Lak.
  • Góc Quang Trung – Lý Thường Kiệt: Nếu đi từ nhà thờ xuống bên trái là tiệm kem Chi Cao giờ là NH Đầu Tư, cuối dãy đó là tiệm vải cây mít của người Ấn. Bên phải những tiệm Tái Thành, Tân Ka … đã đổi chủ. Tiệm Tân Ka hiện giờ là chú Linh (THTHBMT 68-75) hiện bán hàng điện máy.
Tân Ka trên hình là Phát Đạt bây giờ. Tái Thành là Ben’s coffee.
Tiệm kem Chi Cao năm 1969 giờ là NH Đầu Tư
Góc Quang Trung – Y Jut nhìn từ hướng Y Jut. Xưa góc cây mít là tiệm vải người Ấn, Quảng Hưng xưa giờ là tiệm kính.
Góc Quang Trung – Y Jut nhìn từ hướng Y Jut. Xưa góc cây mít là tiệm vải người Ấn – giờ là chỗ chữ Chợ Cũ. Quảng Hưng xưa giờ là tiệm kính.

Quang Trung – Y Jut: Chợ TT BMT – Xưa phía bên ngoài là tiệm vàng Mỹ Ngọc và dãy bán lồng đèn mùa trung thu… & đối diện là rạp Lo Do. Nay nhà dân – khu tái định cư chợ mới chuyển qua. (Góc Quang Trung chợ cũ bây giờ chuyển qua khu A tái định cư – các tiệm vàng Mỹ Ngọc, đồng hồ, veston … khu mới đối diện đình Lạc Giao & đoạn Điện Biên Phủ – Quang Trung kéo dài tới Phan Bội Châu là khu mới tái định cư từ năm 2008 khi có DA chợ TT BMT).

Góc Rạp Lo Do xưa & nay là khu nhà tái định cư từ chợ chuyển qua.
Góc Rạp Lo Do xưa & nay là khu nhà tái định cư từ chợ chuyển qua. Năm 1965 – 2020
  • Góc Quang Trung – Nguyễn Thái Học (Điện Biên Phủ nay): Bên trái là tửu quán Đô Thành xưa, nay 2020 là Quỹ Đất cách tiệm vàng Kim Môn mấy căn.
Khách sạn Darlac nằm trên đường Quang Trung, sau này là Vinh Thuận Tửu gia 1965. 2020 là trung tâm phát triển quỹ đất.

Đường Quang Trung nhìn về chợ TT BMT

  • Góc Quang Trung đoạn giữa Lê Văn Duyệt và Tôn Thất Thuyết nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh & Lê Hồng Phong.
Góc Quang Trung đoạn giữa Lê Văn Duyệt và Tôn Thất Thuyết nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh & Lê Hồng Phong. Thấy khung cảnh trên đoạn đường này không thay đổi mấy, hàng cây sao vẫn còn, dãy nhà đối diện bên phải hình vẫn còn giữ nguyên kiến trúc xưa. Ngày xưa góc bên phải hình, đầu đường là nhà bảo sanh Thanh Bình, đối diện là tiệm thuốc tây, bên này đường là ty cảnh sát nằm bên cạnh tiệm Khải Minh (sau lưng là khuôn viên trường Nguyễn Công Trứ) – (Năm 2007 góc này có quán cà phê chơi Piano mình đã đi, giờ đóng cửa rồi.).
  • Nhà thờ chánh toà Ban Mê Thuột

Góc này chụp đẹp! Nhìn từ trên cao.

Góc ngược về chợ

  • Đường Nơ Trang Long – Đường này xưa tên là A Ma Trang Long. Từ Ngã Sáu thẳng xuống.
Đường Nơ Trang Long hướng ngược lại hình trên – Nhìn lên ngã sáu & đài truyền hình.
  • Góc Nơ Trang Long – Y Jut – Xưa bên tay trái đi từ ngã sáu xuống là Chợ. Bên tay phải không có chợ. Những năm 1960 có hình nhà may Hữu Phước, bên cạnh là quần áo Thanh Hưng.
  • Sau này theo thứ tự là Nhà thuốc An Tâm, nhà may Hà Nội, nhà may Văn Toàn, Hữu Phước, nhà may Cát Long,nhà in. Đối diện là xe máy Phước Toàn, xe đạp Phượng, vàng Tín Thành. 2020 – Nay NH Eximbank & Kios xung quanh chợ TT BMT.

Góc Ama Trang Long – Y Jut xưa là NH TP bây giờ.

Góc Ama Trang Long – Y Jut xưa là NH TP bây giờ. Xưa là tiệm giầy.

Tiệm vàng Kim Môn xưa trên tuyến đường này, nay bán bên đường Quang Trung.

Tiệm vàng Kim Môn năm 1960 – NH 2020

Góc hình khác từ đường Điện Biên Phủ.

  • Đường Nguyễn Công Trứ – Xưa là đường Lê Lợi.
1960 là Ty Công An – Số 62 trong sơ đồ hình dưới. Nay là Chợ TT BMT, đối diện là sân vận động.

Đối diện Ty CA xưa là sân vận động.

  • Đường Y Jut – con đường này vẫn tên cũ từ xưa đến nay, khu phố sầm uất và lâu đời.
Hình này là Y Jut góc sân vận động. Bên tay phải xưa là trường mẫu giáo nay là chợ TT BMT.
Hình này là Y Jut góc sân vận động. Bên tay phải xưa là trường mẫu giáo nay là chợ TT BMT.
Đường Y Jut 1969 nhìn từ hướng Quang Trung tới, bên phải buổi tối là nơi tập trung của các quán chè sâm bổ lượng, đậu xanh. Ngày nay buổi tối cũng tập trung đông đúc các quán nước ép & nhậu vỉa hè! Vẫn đông vui như ngày xưa ấy!
Đường Y Jut góc trước nhà Ngô Phúc Vinh xưa là tiệm bánh An Phát. Nhìn góc này thấy rạp Lodo màu trắng.

Đường Y Jut có quán cháo gà A Cón hẻm 110 Yzut khởi nghiệp năm 1957 – 63 năm vẫn đang bán.

  1. Đường Điện Biên Phủ – Đường Nguyễn Thái Học xưa đã đổi thay! Ngày xưa bên trái là các cửa tiệm làm trang sức nữ trang và bán vàng bạc, bên phải là các tiệm buôn bán hàng tạp hóa và chạp phô của người Hoa. Ngày nay hầu như các hộ buôn bán người Hoa xưa đã dời đi lập nghiệp nơi khác, chỉ còn những cửa hàng của người Việt. Bây giờ các hộ họp chợ dưới lòng đường này đã buôn bán ở nhà hoặc chuyển vào chợ mới xây 2011 chợ TT BMT – Bên trái hình là chợ mới.
Hình này Nguyễn Thái Học xưa góc sân vận động, Ty CA xưa. Nay là chợ TT BMT

Góc này từ trên cao nhìn thấy sân vận động.

Hình này xưa bên trái là các cửa tiệm làm trang sức nữ trang và bán vàng bạc, bên phải là các tiệm buôn bán hàng tạp hóa và chạp phô của người Hoa. Ngày nay hầu như các hộ buôn bán người Hoa xưa đã dời đi lập nghiệp nơi khác, chỉ còn những cửa hàng của người Việt. Bây giờ các hộ họp chợ dưới lòng đường này đã buôn bán ở nhà hoặc chuyển vào chợ mới xây 2011 chợ TT BMT – Bên trái hình là chợ mới.

Góc Điện Biên Phủ – Quang Trung từ trên cao, có rạp Lo Do làm mốc. Xưa chợ tràn ra đường Điên Biên Phủ – Nguyễn Thái Học, nay đã là dãy nhà khang trang, đường phố xanh, sạch đẹp!

Bên phải vẫn là dãy tiệm vàng xưa đến nay, bên trái là chợ TT BMT.

Góc đình Lạc Giao – Phan Bội Châu – Nguyễn Thái Học. Nơi còn gốc cây nhô ra bên trái là chứng tích để ta nhận ra tấm ảnh ngày xưa. Vì nay là nơi tái định cư của các hộ chuyển từ đường Y Jut và Quang Trung (đối diện với rạp Lodo cũ) về. Khuôn viên trường NCT (nằm bên phải hình) và các sạp bán nông sản ngày xưa chỉ còn là hoài niệm. Nay là một khu phố sầm uất, nhà cao hai, ba tầng hiện đại, đường xá lưu thông được, trước đây chợ vắt ngang qua đường này.

Góc đình Lạc Giao có gốc cây nhô ra bên trái là chứng tích để ta nhận ra tấm ảnh ngày xưa, các sạp bán nông sản ngày xưa chỉ còn là hoài niệm.

Đường Tôn Thất Thuyết – Lê Hồng Phong nay. Đường Tôn Thất Thuyết – Lê Hồng Phong ngày nay. Từ hình xưa, bên trái là cổng trường nam tiểu học Nguyễn Công Trứ, tấm hình này chụp thập niên 60, khuôn viên thành phố còn hạn hẹp, bên phải rạp chiếu bóng Hưng Đạo chưa xây. Ngaỳ nay khuôn viên trường NCT đã không còn dấu tích, cây đa trong khuôn viên trường xưa đã bị sét đánh và đổ sập cũng khá lâu rồi. Đây đã là khu dân cư mới tái định cư từ chợ chuyển qua. Bên phải từ Phan Bội Châu đi vào là rạp Hưng Đạo vẫn còn hoạt động (mặc dù không còn nhộn nhịp như xưa). Các quán cà phê đầu đường (quán Tẽo,Thái Bình…) đã không còn, nay chỉ là sạp bán thiết bị tưới tiêu và tiệm bán văn phòng phẩm Ngọc Hân. Đây cũng là con đường tiên phong của các hiệu buôn bán và sửa chữa xe gắn máy, mặc dù bây giờ cũng đã phân tán nhiều chỗ như Trương Hoà Lợi, Lai Hương, Y Tín … (Theo lời của page:/./phamyenstar.wordpress.com/ mình tìm được thông tin trên Google chú ấy học ở đây năm 1967 – 1972).

1960: Đường Phan Đình Phùng bên hông sân vận động. 2020: đường Phan Đình Giót.
Năm 1960 – Đường Tôn Thất Thuyết. Năm 2020 – Lê Hồng Phong – đoạn trường Hồng Đức.

Đường Độc Lập (nay là Lê Duẩn) đoạn giữa Viễn Thông và Phạm Hồng Thái năm 1960, đối xứng với viễn thông qua đường Phạm Hồng Thái là dinh tỉnh trưởng cũ, nằm trong khuôn viên Tòa Hành Chánh tỉnh Darlac (nay là Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Daklak)

Đường Phạm Hồng Thái mới làm xong!

Đường Phạm Hồng Thái mới làm xong!
1965 – 2020: Trại Hòm Trương Bá Thành trên đường Hoàng Diệu.
Nhà hộ sanh trước đây nằm góc Hoàng Diệu – Huyền Trân Công Chúa. Giờ là Hoàng Diệu – Nguyễn Đức Cảnh, pháp y

Bản đồ Ban Mê 1960

—————————

Góc phố đó vẫn còn những quán: 

  • Cháo gà A Cón hẻm 110 Yzut khởi nghiệp năm 1957 – 63 năm.
  • Mì vịt tiềm, cơm gà Hải Ký – khởi nghiệp năm 1959 ở đường Y Zut năm nay tròn 61 năm. Sau đó chuyển nhiều chỗ như hẻm Hùng Vương hồi nhỏ được ba mẹ chở đi ăn trong hẻm Hùng Vương gần cơm Saten, cơm Sài Gòn, cơm A Tỷ … Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, quán hiện nay bán ở đường Trần Hưng Đạo.
  • Quang Trung có Hủ tiếu, cơm gà Phú Lâm khởi nghiệp tháng 12 năm 1959. Hơn 60 năm quán vẫn đứng đó chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống.
  • Cà phê Bâng Khuâng. 174 – 176 Phan Bội Châu – Khởi nghiệp từ năm 1967 – “Khi tôi chưa ra đời Quán bây giờ đã có” … quán cà phê lâu đời, thời thanh niên ba mẹ đã từng uống và hôm nay mình thỉnh thoảng vẫn ghé qua.
  • Chè 57 Lý Thường Kiệt – Khởi nghiệp từ 1975 – đã 44 năm trôi qua, mới đầu là chè thập cẩm, chè Thái mới bán thêm sau này. Một thương hiệu nổi tiếng của học sinh các thế hệ. (Trước kia là 69 sau đổi lại 57 theo địa chỉ nhà hiện nay)
  • Tùng Phú – 61 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khởi nghiệp năm 1976 – đến nay là 43 năm. Vẫn các món từ xưa đến nay như mì gà, hoành thánh, bò kho, xá xíu, vịt tiềm, xôi … • Quán em trai bán các món cũng giống vậy ở Tùng Phú – 63 Nguyễn Trãi.

Nếu Chế Lan Viên có câu:

“Khi ta ở, chi là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”

thì mình ngược lại! 

Ta chưa đi, đất đã hoá tâm hồn!

“Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương” … 

Yêu Ban Mê muốn chứng kiến sự đổi thay của thành phố nên xách máy lang thang ngoài đường, lục lại album hình góc phố Ban Mê mình chụp xem có thêm hình gì không & một tuần để viết chú thích, đi tìm tư liệu đối chiếu vị trí góc phố ngày ấy…. Chỉ để lãng đãng, thả hồn đi hoang …

Hình ảnh mới mình chụp mấy năm nay, nghiệp dư thôi. Hình cũ từ nguồn link này chia sẻ từ năm 2012. http://namrom64.blogspot.com/2012/08/buon-ma-thuot-xua-nhung-buc-anh-chua.html?m=1. Và nguồn hình khác trên trang anhxua.net

Từ năm 1969 trở đi tác giả là chú Tom – một người nước ngoài đã cư trú tại BMT vào năm 1969. Trích nguồn & http:/./phamyenstar.wordpress.com . Tìm hình ảnh Ban Mê xưa thấy được. Cám ơn tác giả.

Tên đường phố Buôn Ma Thuột trước 1975 & nay. 

  • Ama Trang Long nay là Nơ Trang Long
  • Lê Lợi, Nguyễn Công Trứ nay là Nguyễn Công Trứ
  • Phan Đình Phùng nay là Phan Đình Giót
  • Nguyễn Du nay là Y Ngông
  • Cao Thắng nay là Ngô Đức Kế
  • Gia Long, Hùng Vương nay là Hùng Vương
  • Nguyễn Tri Phương nay là Mạc Thị Bưởi
  • Lê Văn Duyệt nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh
  • Tôn Thất Thuyết, Ama Trang Gưh nay là Lê Hồng Phong
  • Nguyễn Thái Học nay là Điện Biên Phủ
  • Huyền Trân Công Chúa nay là Nguyễn Đức Cảnh
  • Tự Do, Thống Nhất, Độc Lập nay là Nguyễn Tất Thành
  • Yersin nay là Mai Hắc Đế
  • Cường Để nay là Nguyễn Văn Trỗi
  • Võ Tánh nay là Nguyễn Thị Minh Khai
  • Hàm Nghi nay là Trần Phú

Leave a comment